Di tích xếp hạng cấp tỉnh: Đình làng Điếu Ngao

Post date: 09/08/2023

Đình làng Điếu Ngao thuộc phường II thành phố Đông Hà, toạ lạc trên một khu đất khá rộng, ở vị trí phong cảnh hữu tình; phía tiền án quay về hướng bắc - nơi có dòng Hiếu Giang trong xanh, hiền hòa chảy qua, hậu chẩm tựa vào xóm làng trù phú.

Nhìn tổng thể, kiến trúc đình làng Điếu Ngao chỉ có một toà đại đình nằm ngang, xung quanh được bao bọc bởi hệ thống tường thành thấp và các trụ biểu; phía trước có cổng vòm cuốn mở một lối đi. Tổng diện tích khuôn viên của đình làng là 7.000m2, trong đó, diện tích của đình làng là 557m2 còn diện tích miếu Thành Hoàng là 46m2.

Trong khuôn viên của đình còn có cây đa được cụ Hoàng Hữu Văn trồng vào năm 1958. Hiện nay, cây đa cao trên 8m, diện tích phủ tán trên 500m2, cây nằm ở bên phải theo hướng đình. Phía trước đình còn có giếng nước xây từ xưa, năm 2002 được đại tu xây lại bằng đá. Phía đông giáp với đường Đặng Dung. Tương truyền, ngôi đình được xây dựng từ khá sớm, ở vào thời kỳ mà làng Điếu Ngao đã định hình trên vùng đất mới (khoảng thế kỷ XVI - XVII). Ban đầu, đình làng được xây dựng bằng cột đồ (ván xẻ ghép lại), mái lợp tranh; về sau này dần dần thay đổi, đình làng được xây bao bằng tường gạch, vôi, mái lợp ngói liệt. Cho đến trước chiến tranh chống Mỹ, ngôi đình đã qua hai lần đại trùng tu; sau đó bị hư hại phần lớn trong chiến tranh.  Hiện trạng của ngôi đình ngày nay là sản phẩm của lần trùng tu gần đây nhất vào năm 1996.

Từ bên ngoài vào, ngôi đình được bao bọc bởi một hệ thống tường thành thấp và trụ biểu ở cả 3 mặt; trên bề mặt các trụ biểu đều có câu đối bằng chữ Hán. Cổng vào đình được xây bằng gạch, xi măng theo dạng vòm cuốn (có chiều rộng 3m, sâu 1,8m, cao 5m), bên trên có gác vọng lâu với 2 tầng mái, có nữ tường tạo thành lan can ở 4 phía. Các bờ nóc, bờ dải của vọng lâu gắn rồng chầu mặt nguyệt, giao lá; đường cổ diêm gắn thêm cuốn thư và trang trí thêm bởi các đồ án hoa văn, hoa lá, những con vật như dơi, chim ...

Sau cổng là bình phong được xây dựng theo dạng cuốn thư, mặt ngoài đắp nổi hình long mã chở lạc thư, mặt trong hình hổ phù miệng ngậm chữ Thọ; xung quanh dùng các tiểu cảnh hoa lá để trang trí. Sân đình khá chật hẹp, có chiều rộng 11m, chiều dài 15,4m.

Toà đại đình hình chữ nhất, được cấu trúc bởi một bộ khung gỗ chịu lực theo mô thức của một ngôi nhà rường 3 gian, 2 chái như thường thấy ở vùng đất Quảng Trị. Bộ khung gỗ được kết cấu theo kiểu vài luôn; phân bố cột 4 hàng chân. Tức là chỉ có hệ thống cột hàng nhất và cột hàng 2 tiền và hậu; hệ thống cột hàng 3 tiền và hậu đều được cắt ngắn để gác lên tường. Hệ thống cột đấm, cột quyết, kèo đấm, kèo quyết được tạo bởi dạng đấm/ quyết thiệt (đấm/ quyết kép) để mở rộng lòng nhà từ 5 gian thành 7 gian nhưng những cột đấm, quyết hàng hai cũng đều đã bị cắt ngắn để gác lên tường. Vì thế tường gạch bao quanh các phía có tác dụng chịu lực. Kèo hiên được tạo dáng kiểu kèo cù; cột hiên xây bằng gạch, xi măng.

Phối trí thờ tự trong đình trải dài cả 3 gian. Đây là nơi thờ thần linh và những người có công với làng nước. Bên trong đình có một bức hoành phi khắc 3 chữ Hán lớn:"Điếu Đài Cao" và một câu đối được làm vào mùa đông năm Tân Tỵ dưới thời Bảo Đại (1931) do ông Trương Đình Tường phụng cúng:

                   "Thổ vũ khuông phù nhân vật khang minh biền giả lạc

                   Giang sơn ủng hộ thanh danh phẩm giá Điếu đài cao"

                   (Thổ vũ nâng đỡ nhân vật khang minh người hiền thục

                   Giang sơn ủng hộ, thanh danh phẩm giá, đài Điếu cao).

Ngoài khuôn viên của đình làng, ở về bên trái có ngôi miếu thờ Bổn thổ Thành hoàng với lối cấu như mô thức một ngôi nhà Rường có 4 cột, dạng gác lững. Bộ khung gỗ còn nguyên như lần khởi tạo xưa; xung quanh có tường bao xây bằng gạch (được tu tạo sau này). Ngoài ra, cạnh miếu bổn thổ còn có miếu Tri phủ họ Đinh được tu tạo mới lại năm 2002 theo mô thức kiến trúc miếu 4 cột, gác lững nhưng sử dụng bê tông cốt thép và tường gạch chịu lực.

Ngoài các giá trị về kiến trúc nghệ thuật, đình làng Điếu Ngao còn được ghi nhận là một di tích lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân thành phố Đông Hà.

          Năm 1930 - 1931, Đình làng là địa điểm liên lạc của các cán bộ Cộng sản đầu tiên ở thành phố Đông Hà. Trong những năm 1936 - 1939, đây là nơi tập hợp lực lượng để chuẩn bị đón Gaudart. Cũng trong thời gian này tại đình làng đã diễn ra vụ kiện lý trưởng chiếm đất của dân nghèo. Sau vụ kiện, nông dân nghèo làng Điếu Ngao đã giành được thắng lợi. Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, khu vực xung quanh đình làng đã diễn ra các hoạt động như: rải truyền đơn, treo cờ Đảng. Đây cũng là trung tâm liên lạc của các chiến sĩ cách mạng.

Ngày 23/8/1945 (ngày 15/7/1945 âm lịch), tại đình làng Điếu Ngao nhân dân đã tập trung về đây tế lễ nhưng thực chất họ đến đây để cùng với lực lượng cách mạng địa phương khống chế bọn quan lại, lý trưởng. Sau đó tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân cướp chính quyền và kéo về thành phố Quảng Trị để dự mít tin.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nơi đây thường diễn ra các buổi lễ tiễn đưa con em lên đường tham gia kháng chiến; nơi để tập luyện võ nghệ của lực lượng dân quân, du kích xã; đồng thời là nơi đặt trụ sở làm việc của chính quyền cách mạng thôn lúc bấy giờ.

Với những bề dày văn hóa, lịch sử được vun đắp qua sự hình thành, phát triển của một làng cổ ở vùng đất Quảng Trị và qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta, đình làng Điếu Ngao là niềm tự hào của các thế hệ con cháu trên quê hương.

Tháng 5/2006, bằng nguồn kinh phí của thành phố, Phòng VHTT đã cùng với chính quyền địa phương tổ chức dựng bia biển để ghi dấu những sự kiện lịch sử về di tích này.

Hình ảnh Đình làng Điều Ngao trước đây và hiện nay

 

More
Hình ảnh

Thống kê truy cập

  • Đang online 5

  • Hôm nay 1750

  • Tổng cộng 2.986.770