UBND thành phố Đông Hà tổ chức họp triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Post date: 18/03/2022

Ngày 05/3/2019, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phạm Văn Nghiệm chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thành phố.  

Phó Chủ tịch UBND thành phố Phạm Văn Nghiệm phát biểu tại cuộc họp

Từ đầu tháng 2 năm 2019 đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra trên một số địa bàn thuộc 07 tỉnh, thành phố của nước ta, tổng số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy là hơn 4.200 con. Bệnh dịch tả lợn Châu Phi là một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng, không gây bệnh cho các loài động vật khác, không lây nhiễm và gây bệnh ở người; lợn mắc bệnh có khả năng chết lên đến 100%; bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn... Hiện nay trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị bệnh hữu hiệu.

Trên cơ sở hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng chống, khống chế dịch bệnh từ Trung ương đến địa phương, tại cuộc họp các cơ quan, đơn vị đã thảo luận, trao đổi nhiều biện pháp nhằm phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi hiệu quả, ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Trong đó, xác định nhiệm vụ trọng tâm là UBND các phường cần tập trung chỉ đạo đội ngũ thú y, khuyến nông viên các phường phối hợp với chính quyền, các ban ngành, đoàn thể từ phường đến các khu phố tăng cường công tác tuyên truyền, thông báo cho nhân dân biết về sự nguy hại của bệnh; các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh dịch tả lợn Châu Phi để cùng giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh và thông báo với chính quyền địa phương. Tuyên truyền để người dân thực hiện “5 không”: không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn bệnh chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Khi phát hiện đàn lợn tại địa phương có dấu hiệu của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, hoặc nghi là lợn, sản phẩm lợn nhập lậu trái phép thì phải tổ chức bao vây khoanh vùng ngay, lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Xây dựng kế hoạch và chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra; bố trí địa điểm tiêu hủy lợn bệnh theo đề nghị của cơ quan thú y. Quản lý tốt các hộ kinh doanh, giết mổ lợn trên địa bàn, yêu cầu các hộ này thực hiện cam kết không mua bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn chưa qua kiểm dịch. Tổ chức thực hiện tốt vệ sinh, tiêu độc khử trùng, trong đó chú trọng công tác tiêu độc môi trường, các chợ, điểm bán lợn, lò và điểm giết mổ lợn; phát động nhân dân tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường trong gia đình, thôn, xóm.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phạm văn Nghiệm yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và tổ chức đồng bộ các giải pháp để phòng chống dịch bệnh. Tăng cường thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phát thanh phường, khu phố về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch đảm bảo rõ ràng, kịp thời, sát đúng nội dung để người dân và các hộ chăn nuôi biết, chủ động phòng chống dịch; yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, mua bán lợn/thịt lợn trên địa bàn thành phố; kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên địa bàn./.

Hồ Thị Thanh Huyền - Văn phòng HĐND và UBND

More
Hình ảnh

Thống kê truy cập

  • Đang online 7

  • Hôm nay 1311

  • Tổng cộng 3.513.956