Di tích cấp quốc gia: Đình làng Nghĩa An và hệ thống giếng chăm

Post date: 13:52, Thứ Tư, 9-8-2023

Nằm bên bờ bắc sông Hiếu thuộc địa phận làng Nghĩa An, phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà. Cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị về phía bắc trên dưới 2km theo trục giao thông bộ. Di tích đã được Bộ VHTT xếp hạng quốc gia theo quyết định số 2997/QĐ-VH ngày 05 tháng 1 năm 1996.

a. Đình làng.

Lịch sử xây dựng đình làng gắn với lịch sử xây dựng và phát triển cùng những biến động về chính trị - xã hội từng diễn ra trên vùng đất làng Nghĩa An. Qua ký ức của nhiều thế hệ dân làng thì thoạt kỳ thủy ngôi đình chỉ là một ngôi nhà gỗ lợp tranh được xây dựng trên cơ sở một nền đình lộ thiên. Kiến trúc theo kiểu một ngôi nhà trường 3 gian 2 chái nhưng kết cấu đơn giản, xung quanh không có tường che và được bố trí theo chiều dọc. Sự hiện diện của quy cách ngôi đình như vậy cho chúng ta cảm nhận đó mới chỉ là một bước phát triển cao hơn từ một kiểu đình lộ thiên mà ngày nay vẫn còn tồn tại khá nhiều nơi ở vùng đồng bằng Quảng Trị; mặt khác nó cũng là cơ sở để có thể đoán định được thời gian tạo lập buổi đầu là trong những khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII.

Một thời gian khá lâu sau (nửa đầu thế kỷ XVIII) trong một lần hỏa hoạn ngôi đình bị đốt cháy, làng cho trùng tu mới lại. Lúc này bố trí đại đình chuyển từ chiều dọc sang chiều ngang, xung quanh bắt đầu được che chắn. Kể từ đây, việc thờ tự trong đình trung mới được thiết lập có trật tự. Ngôi đình trở thành nơi tôn nghiêm, tình chất xã hội hóa của ngôi đình dần bị co hẹp lại. Cho đến những năm cuối thế kỷ XIX, ngôi đình bị hư hại nặng, làng cho tháo dỡ toàn bộ để làm mới lại. Đây là lần trùng tu lớn nhất làm thay đổi toàn bộ diện mạo nguyên xưa của tòa đại đình. Lần trùng tu này, kiến trúc đại đình được tạo ra bởi hai nếp nhà ghép song ngang theo kiểu chữ nhị. Ngôi nhà trong là đình trung làm nơi tế tự, xung quanh ba phía xây tường gạch che chắn chỉ mở hai lối cửa ra vào hai phía và các cửa sổ. Ngôi nhà ngoài là tiền đường làm nơi nhóm họp, không gian mở, thông thoáng với bên ngoài. Ngăn cách giữa tiền đường và đình trung là hệ thống cửa bản khoa “thượng song hạ bản”. Cả hai ngôi nhà đều được kết cấu theo kiểu nhà rường 5 gian, 2 chái, bộ mái đều lợp ngói liệt và trang trí rất đẹp. Từ năm 1947, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ngôi đình bị quân Pháp triệt hạ. Đến năm 1959, làng lại cho trùng tu, nhưng do điều kiện khó khăn nên ở đình trung bị thu hẹp chỉ còn 3 gian 2 chái, còn tiền đường thì thay bằng một ngôi nhà kết cấu bê tông cốt thép có mái bằng. Lần trùng tu 1959 cơ bản như hiện trạng ngày nay. Trong thời chống Mỹ ngôi đình lại bị bom đạn bắn phá hư hại và mãi đến cuối năm 1992 thì tu sửa lại thêm một lần nữa.

Ngôi đình hiện còn xây dựng theo quy cách của lần trùng tu 1959, tức là đình trung gồm ngôi nhà rường bằng gỗ 3 gian 2 chái, kết cấu theo cách thức kiểu vài luôn, mái lợp ngói móc, bên trên có gắn các chi tiết trang trí. Tiền đường là một ngôi nhà đổ mái bằng 5 gian. Mặt trước khuôn viên của đình được giới hạn bởi hệ thống cổng, ngỏ, trụ biểu và tường thành được làm mới lại và phần trang trí có vẽ rườm rà, chuộng màu sắc hơn là ý nghĩa đích thực. Bên trong có bức bình phong hình cuốn thư đắp bằng gạch, xi măng; mặt trước đắp nổi hình long mã chở lạc thư; mặt sau đắp hình hổ phù miệng mgậm chữ thọ cùng các tiểu cảnh trúc mai, bát bửu, hồi văn, hoa lá... Điều đáng chú ý là phía trước tiền đường có gắn bức liễn ghép mảnh sành sứ với 4 chữ: “Mi Mục, Cải Quan” (mở mắt là thấy sự vật đã thay đổi) nói lên quan niệm nhìn nhận của người dân làng về một thế giới luôn vận động và biến đổi. Bên cạnh đó là những câu đối ngợi ca truyền thống văn vật, những hình ảnh trang trí tượng trưng cho nhiều nội dung về quan niệm vũ trụ và nhân sinh.

Bên trong ngôi đình thờ Thành hoàng và “Bách thần sở hội”. Thành hoàng là một vị nhiên thần - thần mặt trăng, biểu tượng cho cầu phúc, còn “Bách thần sở hội” là toàn bộ rất nhiều vị thần mà nhiều làng vẫn thường thờ phụng và tế lễ, trong đó nhiên thần chiếm đại đa số. Các phong tục lễ hội của làng diễn ra tại đình vào hai kỳ xuân - thu đều tập trung phản ảnh các quan niệm thờ cúng và thể hiện tư tưởng người nông dân làng xã trong sự tôn vinh các vị thần. Đặc biệt các trò diễn của ngày hội như: đi cầu Ngô, bơi chải, đua thuyền, kéo co bằng tre... là những hoạt động mà thông qua đó để dân làng gởi gắm những mong muốn của mình vào cuộc sống và thế giới.

Cùng với những giá trị về văn hóa mà người dân làng Nghĩa An đã tạo ra và gởi gắm, ngôi đình làng Nghĩa An trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược cũng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử. Từ tháng 8.1945 ngôi đình là nơi hội họp của nhân dân; nơi diễn ra các cuộc mít tinh của Mặt trận Việt Minh kêu gọi quần chúng nổi dậy hưởng ứng sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc; nơi đặt trụ sở của Uỷ ban kháng chiến của chính quyền cách mạng... Cuối năm 1947, đây cũng là nơi lực lượng vũ trang ta tập kết để tổ chức chặn đánh địch, ngăn cản bước tiến công của Pháp, thực hiện kế hoạch phá đường sắt, đánh sập cầu xe lửa bắc qua sông Hiếu ngay trước mặt ngôi đình.

b. Hệ thống giếng Chăm.

     Hệ thống giếng cổ làng Nghĩa An, được coi đây là những thành tựu văn hóa mà một bộ phận cư dân cổ Chămpa đã làm nên, được người Việt giữ gìn và kế tục sử dụng, đáng được bảo tồn cùng với đình làng, các lễ hội truyền thống và các giá trị văn hóa khác mà nhiều thế hệ người dân làng Nghĩa An đã gây dựng nên để tạo ra một chỉnh thể văn hóa của một công đồng làng. Dưới đây là một số giếng hiện còn tồn tại ở khu vực làng Nghĩa An.

* Giếng Làng: Nằm ở xóm Thượng, cạnh đường Hoàng Diệu phía nam và cạnh bờ sông. Giếng hình tròn, có đường kính 1,7m; sâu toàn phần 6,2m; sâu lòng nước 3,5m. Thành giếng cao 0,5m; trong đó 0,2m bên trên là phần đã được cải tạo và xây mới bằng gạch. Đá sử dụng để xếp quanh thành giếng là loại đá phiến thạch. Bên dưới có một khung gỗ lim dày với bốn trụ bốn phía cùng với bốn tấm gỗ nằm ngang bốn góc. Hiện tại, giếng đang được dân làng sử dụng.

* Giếng Xóm Đình: Nằm ở xóm Đình, cách đường Hoàng Diệu 150m về phía bắc. Giếng hình tròn, đường kính 2,1m; sâu toàn phần 5m, sâu lòng nước 1,4m. Thành giếng cao 0,8m. Đá xếp quanh giếng là loại đá phiến thạch. Phần từ thành giếng xuống 1,2m đã được cải tạo lại bằng việc gắn các viên đá tổ ong tạo tác công phu có trét mạch vôi vữa. Từ phía trên thành giếng xuống 4m là khung gỗ lim được kè chắn bốn tấm ván dày với bốn cọc gỗ, nhưng từ điểm có khung gỗ đến đáy giếng còn đến hơn 1m; khoảng cách này cho thấy gếng đã được người Việt nạo vét nhiều lần, làm cho đáy giếng ngày càng sâu thêm. Hiện tại giếng đang được sử dụng tốt.

* Giếng Nghè: Nằm ở phía nam xóm Biền, cách quốc lộ 1a chừng 400m về hướng đông. Giếng nằm biệt lập giữa cánh đồng, khá xa so với khu dân cư. Nhìn bên ngoài, giếng có hình khum tròn, bên trong lòng vách tròn đứng có đường kính 1,1m. Sâu tổng thể từ thành xuống đáy là 3,3m; sâu lòng nước là 2,2m. Đá xếp quanh giếng là loại đá phiến thạch. Phần bên dưới nguyên thủy, phần bên trên cao gần 1m đã được tu sửa lại với cách thức xây blô lẫn gạch và trát mạch bằng vữa ciment. Giếng hiện nay đang được nhân dân quanh vùng sử dụng lấy nước sinh hoạt.

* Giếng xóm Biền: Nằm ở bìa làng, giữa cánh đồng, phía bắc xóm Biền, cách đường quốc lộ 1a gần 50m về hướng đông. Giếng có hình tròn, đường kính 1,5m, thành giếng cao 0,7m. Độ sâu từ thành đến đáy là 3,7m, sâu lòng nước 2,8m. Phần bên dưới nguyên thủy, được xếp đá - loại đá phiến thạch, phần bên trên đã được tu sửa lại với kỹ thuật xếp gạch có trát vữa cứ một lớp đứng thì có nhiều lớp ngang. Từ thành giếng xuống sâu 3,5m có một khung gỗ lim có tác dụng chống lún và giữ cho đá xếp khỏi sập. Hiện tại, giếng đang được dân quanh vùng sử dụng lấy nước sinh hoạt.

Với những gì hiện còn ở hệ thống giếng cổ làng Nghĩa An, có thể coi đây là những thành tựu văn hóa mà một bộ phận cư dân cổ Chămpa đã làm nên, được người Việt giữ gìn và kế tục sử dụng, đáng được bảo tồn cùng với đình làng, các lễ hội truyền thống và các giá trị văn hóa khác mà nhiều thế hệ người dân làng Nghĩa An đã gây dựng nên để tạo ra một chỉnh thể văn hóa của một công đồng làng.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH ĐÌNH LÀNG NGHĨA AN VÀ HỆ THỐNG GIẾNG CHĂM

More
Hình ảnh

Thống kê truy cập

  • Đang online 10

  • Hôm nay 943

  • Tổng cộng 3.559.468