Di tích xếp hạng cấp tỉnh: Đình làng Lập Thạch

13:59, Thứ Tư, 9-8-2023

Ngôi đình nằm sát bờ tây sông Thạch Hãn, trên địa phận làng Lập Thạch, thuộc phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà; cách quốc lộ 1a chừng 1,5km về phía Đông; cách trung tâm tỉnh lỵ Đông Hà chừng hơn 3km về phía Đông Nam. Đây là một trong những ngôi đình làng còn lưu giữ được nhiều giá trị về kiến trúc nghệ thuật lịch sử, văn hoá ở Quảng Trị  

 Nguyên xưa, ngôi đình làng Lập Thạch là một công trình kiến trúc tương đối quy mô, bề thế được xây dựng trong những năm cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Khuôn viên của đình lúc đó có nghi môn và hệ thống tường thành ở 3 phía được tạo dựng rất công phu, bên trong có đại đình theo kiểu nhà Rường (5 gian 2 chái) rất rộng, bố trí theo chiều ngang. Trong đình tất cả các cấu kiện đều làm bằng gỗ lim, gõ và được chạm trổ công phu. Mái đình lợp ngói liệt, các diềm nóc đều được trang trí bằng nghệ thuật đắp vữa và ghép mảnh sành sứ. Trong khuôn viên còn có hai miếu thờ: Thành hoàng và miếu Bổn thổ theo kiểu gác lửng.

          Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đình làng Lập Thạch cũng như rất nhiều đình chùa khác trên toàn tỉnh Quảng Trị phải chịu chung số phận bị phá hủy hoàn toàn, riêng nghi môn là vẫn còn nguyên vẹn. Năm 1959, dân làng đã làm lại một ngôi đình nhỏ dùng để thờ tự, nhưng trong những năm kháng chiến chống Mỹ ngôi đình lại bị bom đánh sập. Năm 1976, một lần nữa, dân làng Lập Thạch cùng đồng lòng chung sức làm lại ngôi đình.

Kiến trúc ngôi đình những năm này ngoài nghi môn thì ngôi đình chỉ được tạo bởi hai nếp nhà song ngang theo lối chữ “nhị” với lối kiến trúc bình thường như một nhà dân, quy mô nhỏ bé. Tiền đường là một ngôi nhà xông 3 gian thông thoáng dùng làm nơi tổ chức các cuộc hội họp, ăn uống trong những ngày tế, lễ. Đình trung làm nơi thờ tự, xây bít cả 3 phía. Năm 1982, xây thêm tiền đường; đến năm 1994 thì hoàn chỉnh và tu sửa lại tam quan cùng với việc trang trí lại tiền đường.

Năm 2005, được sự quan tâm của UBND thành phố đình làng Lập Thạch được trùng tu lại (trừ cổng tam quan) và hoàn chỉnh như hiện nay. Toà dại đình được đánh giá là công trình được trùng tu có quy mô và hoàn chỉnh nhất so với các lần trước.

Đình làng Lập Thạch là công trình có giá trị về văn hoá, nghệ thuật; nhất là công trình nghi môn. Đình toạ lạc ở vị trí đắc địa về phong thuỷ và có sơn thuỷ hữu tình, quay mặt về hướng đông nam. Dòng sông Thạch Hãn trong xanh, hiền hoà đóng vai trò như một minh đường; hậu chẩm dựa lưng vào xóm làng, ruộng đồng trù phú. Chính 2 câu đối trước nghi môn đình đã nói lên điều này:

          Môn tiền nguyệt chiếu tam giang thủy

          Chẩm hậu tinh trần vạn đội sơn

                   (Trước cửa trăng soi ba dòng nước

                   Sau chẫm sao bày muôn đội non).

Từ ngoài vào, ngôi đình được bao bọc bởi nghi môn và hệ thống tường thành xây bằng gạch kín cả 3 phía. Nghi môn là một công trình khá quy mô, mang dáng dấp cổ kính. Trải qua thời gian và sự tàn phá khốc liệt của bom đạn chiến tranh nhưng công trònh này vẫn tồn tại và lưu giữ đựoc những nét kiến trúc truyền thống thời Nguyễn; được coi là một trong những nghi môn đình làng đẹp nhất vùng Quảng Trị. Nghi môn đình làng Lập Thạch được xây bằng gạch, cấu trúc theo 3 tầng. Tầng dưới là 3 cổng vòm cuốn mở 3 lối khá rộng vào sân đình, bên trên 3 cổng là 3 gác vọng lâu được tạo nên bởi 2 tầng mái. ở mỗi gác vọng lâu xung quanh đều thông thoáng nhằm tạo cho công trình không bị nặng nề và đạt được cảm giác thanh thoát; đồng thời cũng mang dáng vẻ mềm mại nhờ các nữ tường thấp vây 4 phía như những lan can ở tầng 2 cũng như bộ mái được trang trí khá tỷ mỉ.

          Toà Đại đình hiện nay đã được trùng tu có quy mô khang trang được thực hiện đúng theo nguyên tắc trùng tu di tích với phương pháp phục dựng, ưu tiên các vật liệu và công nghệ xây dựng truyền thống; nhờ vậy công trình phù hợp và hài hoà về thẩm mỹ trong mối tương quan với khu vực xung quanh. Toà đại đình được xây dựng bỡi hai nếp nhà song ngang theo lối chữ "Nhị". Tiền đường mặc dầu làm bằng chất liệu bê tông cốt thép, xi măng nhưng vẫn toát lên được những nét mềm mại, cổ kính nhờ các hoạ tiết được trang trí công phu, đa dạng, phong phú bằng kỹ thuật đắp vữa và ghép mảnh sành sứ. Đình trung được kết cấu theo kiểu kiến trúc nhà Rường 3 gian, 2 chái với một bộ khung gỗ chịu lực bên trong bằng gõ đỏ, được chạm trổ ở một số cấu kiện chính, Toàn bộ hệ thống cửa bản khoa của đình trung (khung bằng gỗ gõ đỏ, bản bằng gổ mít) được thiết kế, chạm trổ rất công phu. Các đầu đao được trang trí bởi giao lá, hồi văn; diềm mái trang trí "Lưỡng long chầu nguyệt” khá quy mô có tính thẩm mỹ cao.

Nội thất bố trí thành 3 gian thờ: gian giữa thờ Thành hoàng, 2 gian tả, hữu thờ 3 vị: tiền khai khẩn họ Trần, hậu khai khẩn 2 họ Nguyễn và họ Phạm cùng các vị thủy tổ các dòng họ chính thống trong làng. Bài trí bên trong có các hương án sơn son thếp vàng khá đẹp. Việc tế lễ ở đình diễn ra vào ngày 6, 7, 8 tháng 7 (âl) hàng năm và có tổ chức hội đua thuyền.

Làng Lập Thạch là một trong những làng tiêu biểu của thành phố và tỉnh về truyền thống hiếu học. Cử nhân Nguyễn Xuân Luyện là một trong những vị sỹ phu giàu lòng yêu nước "hạt giống đỏdấy lên phong trào cách mạng ở Quảng Trị. Tính đến nay làng đã sản sinh ra cho quê hương, đất nước 10 vị giáo sư, phó giáo sư, 30 tiến sỹ, 1 nghệ sỹ nhân dân và 1 nghệ sỹ ưu tú, 400 người có trình độ đại học, cao đẳng.

          Ngoài giá trị về kiến trúc nghệ thuật, đình làng Lập Thạch là di tích lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân thành phố Đông Hà - nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của tỉnh Quảng Trị. Tháng 3/1930, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban vận động thành lập Đảng, tại đình Lập Thạch, chi bộ Đảng Lập Thạch đã ra đời (do ông Nguyễn Thuấn làm Bí thư). Đây là một trong những chi bộ ra đời sớm ở Đông Hà và tỉnh Quảng Trị  và là tiền thân của Đảng bộ thành phố Đông Hà ngày nay. Nhờ đó, các tổ chức Đảng xã Triệu Lễ (Triệu Phong cũ), thành phố Đông Hà dần dần được mở rộng và phát triển. Tháng 12/1931, chi bộ Lập Thạch đã có 8 đảng viên.

          Đình làng vào những năm trước và sau 1930 là địa điểm liên lạc hội họp bí mật của cách mạng, ông Trần Hữu Dực đã chọn nơi đây để làm diểm liên lạc thư từ, tài liệu với các cơ sở cách mạng. Tháng 12 năm 1930, Hội nghị Tỉnh uỷ Quảng Trị lần thứ II họp tại đình làng và đã thông qua nghị quyết với nhiều quyết sách quan trọng trong lịch sử cách mạng Quảng Trị. Từ năm 1927 - 1931, đình làng Lập Thạch là nơi đưa đón, nuôi dấu nhiều cán bộ của Xứ uỷ, Tỉnh uỷ như: Nguyễn Duệ (Uỷ viên Xứ uỷ Trung kỳ), Nguyễn Đình Cương, Hoàng Hữu Đàn, Trịnh Đức Tân, Hoàng Thị Aí, Lê Thị Quế...

          Sự kiện lịch sử trên đã vun đắp thêm bề dày văn hóa, lịch sử của đình Lập Thạch, làm cho nó xứng đáng là một công trình văn hóa, nghệ thuật cần được giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị. Tháng 01/2015, Phòng VH&TT thành phố đã xây dựng bia ghi dấu những sự kiện nói trên.

Một số hình ảnh:

 

Các tin khác
Hình ảnh

Thống kê truy cập

  • Đang online 8

  • Hôm nay 15419

  • Tổng cộng 3.507.084