Di tích xếp hạng cấp tỉnh: Nhà ga và Lô cốt Đông Hà

13:47, Thứ Tư, 9-8-2023

Lô cốt và nhà ga Đông Hà (cũ) nằm ở điểm giao nhau của ba con đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo và Lê Quý Đôn; thuộc địa bàn khu phố I, phường I, thành phố Đông Hà.

Lô cốt và nhà ga Đông Hà (cũ) nằm ở điểm giao nhau của ba con đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo và Lê Quý Đôn; thuộc địa bàn khu phố I, phường I, thành phố Đông Hà.

Đầu thế kỷ XX, sau khi đã khống chế được các phong trào yêu nước và cơ bản ổn định bộ máy thống trị, thực dân Pháp bắt tay vào việc khai thác thuộc địa lần thứ 2, hòng vơ vét tài nguyên, của cải đất nước ta. Để phục vụ cho ý đồ này, một hệ thống cơ sở hạ tầng như: nhà cửa, đường sá, cầu cống... được gấp rút xây dựng và đưa vào vận hành sử dụng.

          Tại Quảng Trị, bên cạnh việc nâng cấp, sửa chữa và xây dựng các tuyến đường quốc lộ, ngày 2/10/1908, thực dân Pháp cho xây dựng tuyến đường sắt Huế - Đông Hà dài 70km và cho đi vào vận hành khai thác. Đến năm 1927, tuyến đường sắt Đông Hà - Đồng Hới được hoàn thành. Từ đây Đông Hà trở thành ngã ba giao lưu hàng hóa và hội tụ hành khách của cả một vùng dân cư rộng lớn. Nhà ga Đông Hà là đầu mối giao thông quan trọng, tạo điều kiện dễ dàng đi đến các tỉnh thành trong cả nước và ngược lại. Một thời gian sau do nhu cầu ngày càng cao về cung ứng, vận chuyển, chính quyền thực dân cho sửa sang và nâng cấp ga Đông Hà thành một ga chính trên tuyến đường sắt. Theo thống kê của năm 1927 - 1928, chỉ tính riêng ở ga Đông Hà đã có đến 33.600 hành khách đi tàu hỏa.

          Để  phục vụ cho mục đích quân sự, canh phòng bảo vệ nhà ga và án ngữ ở tuyến đường 9, thực dân Pháp cho xây dựng bên cạnh nhà ga một lô cốt khá lớn theo kiểu tháp canh. ở đây luôn có một trung đội lính Âu Phi thường xuyên chốt giữ. Từ sau năm 1954, chính quyền Sài Gòn vẫn sử dụng lô cốt này, tại đây luôn có một trung đội lính thường xuyên túc trực, sẵn sàng bảo vệ và ứng chiến khi cần thiết....

Xuất phát từ vị trí trọng yếu này, nên trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, nơi đây đã ghi lại những sự kiện lịch sử tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân Đông Hà và các vùng lân cận.

          Trong cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939), nhà ga Đông Hà là địa điểm nhân dân Đông Hà, Cam Lộ tập trung đón Gaudart (đặc phái viên của Mặt trận Bình dân Pháp sang thăm Việt Nam) để đưa bản dân nguyện đòi quyền dân sinh dân chủ và tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đến với các tầng lớp nhân dân.

          Ngày 25/8/1945, nhân dân trong các phường của thị trấn Đông Hà từ các ngã đường tập trung về khu vực nhà ga để thống nhất lực lượng trước khi kéo về sân vận động mít tin, giành chính quyền cách mạng.

          Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm nước ta lần nữa, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, các phong trào “Nam tiến”, “Tây tiến” đã lan rộng khắp các tiểu khu, tại ga Đông Hà, ngày 26/9/1945, hàng trăm người đã tiễn đưa con em mình vào Nam chiến đấu để bảo vệ tổ quốc.

          Sau năm 1954, trong tình trạng đất nước bị chia cắt, chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp dã man phong trào cách mạng, phá hoại hiệp định Genève. Tại Đông Hà, thị trấn của vùng giới tuyến, các phong trào đấu tranh của nhân dân đã nổ ra rầm rộ như: “đòi hiệp thương tổng tuyển cử”, “lên án khủng bố và đàn áp các phong trào cách mạng”Khu vực Nhà ga và Lô cốt Đông Hà là một trong những nơi tập trung các phong trào đấu tranh đó.

          Trong những năm từ 1965 - 1972, Đông Hà trở thành một căn cứ quân sự nằm trong tuyến phòng thủ chiến lược đặc biệt ở Bắc Quảng Trị. Cùng với việc thiết lập ở Đông Hà một chi khu quân sự, giữ vai trò là một đầu mối quan trọng trên tuyến hành lang chiến lược đường 9, Mỹ - ngụy còn ra sức biến Đông Hà thành một hậu cứ vững chắc để thực thi các chiến dịch “bình định”, “tìm diệt” của quân viễn chinh Mỹ và quân chủ lực ngụy trên toàn chiến trường Quảng Trị. Nhà ga Đông Hà do không hoạt động nữa nên được chuyển thành một cơ sở quân sự, còn lô cốt Đông Hà thì vẫn được sử dụng như là một tháp canh án ngữ đường 9 để theo dõi, kiểm soát các hoạt động trên đường 9 và toàn bộ thành phố Đông Hà.

Ngày 28/4/1972, trong chiến dịch tiến công giải phóng Quảng Trị năm 1972, quân và dân ta đã đập tan hoàn toàn hệ thống phòng ngự Đông Hà, chặt đứt một mắt xích quan trọng trong tuyến phòng ngự chiến lược của Mỹ - ngụy ở Quảng Trị, giải phóng Đông Hà. Từ đó đến năm 1975, nhà ga Đông Hà không còn sử dụng nữa, lô cốt đã trở thành hoang phế. Tuy nhiên, nó vẫn được coi là một hình ảnh biểu trưng cho Đông Hà/Quảng Trị và gắn bó thân thiết trong ký ức đối với mỗi người dân đất này về một thời chiến tranh ác liệt nhưng rất đổi hào hùng.

          Giữa năm 1973, Chủ tịch nước Cộng hòa Cu Ba Fidel Castero trong chuyến   thăm vùng giải phóng Quảng Trị đã đến thăm khu vực này.

          Sau ngày đất nước thống nhất (năm 1976), ga Đông Hà được chuyển về xây dựng bên cạnh quốc lộ 1a thuộc phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà. Khu vực nhà ga cũ nay là khu dân cư và là giao điểm của các trục đường Hùng Vương, Lê Qúy Đôn, Trần Hưng Đạo, Trần Phú. Riêng lô cốt Đông Hà thì từ năm 1993 đã bị đập phá do nhu cầu mở rộng ngã tư nối đường Trần Hưng Đạo, Lê Quí Đôn và đường Hùng Vương.

         Hiện nay, UBND thành phố Đông Hà cùng với các ngành chức năng xây dựng khuôn viên, dựng bia biển và trưng bày hai chiếc xe tăng để lưu giữ những dấu tích lịch sử làm minh chứng cho một thời kỳ chiến tranh bi hùng trong hai cuộc kháng chiến của quân và dân Đông Hà.

 

Các tin khác
Hình ảnh

Thống kê truy cập

  • Đang online 5

  • Hôm nay 15476

  • Tổng cộng 3.507.141